Thứ sáu, 08/01/2021 14:14

Cần tiếp tục nghiên cứu bảo tồn, phát huy các di sản  của hệ thống hang động núi lửa Tây Nguyên

Đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” do TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm, mã số TN17/T06, thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 được thực hiện từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2020. 

Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã phác họa một lộ trình nghiên cứu về hang động núi lửa ở Tây Nguyên, cá biệt là vùng Đăk Nông, kể từ khi phát hiện ra hang động núi lửa (năm 2004) đến khi Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông được UNESCO công nhận và vinh danh (năm 2018). Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà khoa học đã áp dụng những kỹ thuật phân tích mẫu hiện đại như: xác định tuổi tuyệt đối của basalt, đồng vị phóng xạ và đồng vị bền, xác định AND, nhân chủng học… Trên cơ sở khảo sát thực tế và nghiên cứu xác định tuổi thành tạo của basalt, đề tài đã xác định được rằng, hang động núi lửa ở Tây Nguyên chỉ mới được phát hiện trong các basalt thuộc hệ tầng Xuân Lộc tuổi Pleistocene giữa là loại basalt có tuổi trẻ nhất (tuổi 774.000-129.000 năm) ở Tây Nguyên, không bắt gặp trong các đá basalt tuổi cổ hơn cũng như trong các đá núi lửa thành phần khác. Đây là một tiền đề cho những tìm kiếm, phát hiện sau này về các hang động núi lửa ở Tây Nguyên.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đề tài đã phát hiện mới thêm 5 hang núi lửa basalt, trong đó có 2 hang có di chỉ khảo cổ, nâng tổng số hang núi lửa basalt ở Tây Nguyên lên 50 hang, cung cấp thêm cho quỹ hang núi lửa ở Tây Nguyên cho các nghiên cứu lâu dài về lĩnh vực này. 

Việc nghiên cứu các di sản trong hang và di sản địa chất (DSĐC) liên quan đến diện phân bố của basalt Tây Nguyên đã cho phép đề tài có những phát hiện mới rất quan trọng và nổi bật, đó là: (1) Di tích khảo cổ tiền sử hỗn hợp (di tích cư trú + di tích xưởng + di tích mộ táng) ở hang C6.1 Krông Nô và trong 2 hang mới phát hiện là C8 và T66 (cũng ở khu vực Krông Nô); (2) Phát hiện nhiều loài sinh vật có thể là mới cho khoa học và đặc hữu trong hang động núi lửa ở Krông Nô, đã công bố trên tạp chí quốc tế; (3) Di tích cư trú tiền sử (thời đại Đá mới) trên miệng núi lửa Hố Tre ở thôn Hòa Tây, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk; (4) Phát hiện hàng loạt di tích Đá cũ dọc đới Sông Ba, làm cơ sở cho việc xây dựng các nền văn hóa cổ đại - Văn hoá Đá cũ (được gọi là Văn hóa Sông Ba) ở Tây Nguyên. 

Núi lửa Krông Nô

Ngoài ra, việc tách chiết thành công ADN từ xương động vật cổ (lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam) đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, phục vụ công tác bảo tồn bảo tàng. Các hang động núi lửa đã được đề tài tổng hợp, phân loại theo nguồn gốc và cơ chế thành tạo, đặc điểm phân bố, mục đích khai thác (hang khoa học, hang người tiền sử, hang mạo hiểm…). 

Đề tài đã xác lập được 3 kiểu di sản trong hang động núi lửa, gồm: 

(1) DSĐC với 7 kiểu di sản (cổ sinh - DSĐC kiểu A; địa mạo - DSĐC kiểu B; cổ môi trường - DSĐC kiểu C; đá - DSĐC kiểu D; địa tầng - DSĐC kiểu E; khoáng vật, khoáng sản - DSĐC kiểu F; kiến tạo - DSĐC kiểu I). 

(2) Di sản văn hóa với 2 thể loại: di tích lịch sử và di tích khảo cổ tiền sử, phân bố rải rác trên địa phận 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó di tích khảo cổ tiền sử ở khu vực Krông Nô đã được nghiên cứu khá chi tiết với các thông tin khoa học lần đầu tiên được công bố trên thế giới. 

(3) Đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật trong hang núi lửa được ghi nhận, trong đó có những loài mới. 

Hang động núi lửa Đăk Nông

 Công tác khai quật di tích người tiền sử trong các hang C6 và C6.1 đã thu được số lượng lớn di vật (70-80 ngàn hiện vật); việc tiến hành nghiên cứu chi tiết về nhân chủng học, xác định niên đại C14, địa hóa trầm tích, địa tầng tầng văn hóa và biến thiên độ từ cảm, xác định AND đã cho phép đề tài đưa ra nhiều kết luận khoa học có tính thuyết phục cao về cư dân tiền sử ở Tây Nguyên cách nay 4-7 ngàn năm và cổ địa lý - cổ môi trường trong hang động núi lửa ở khu vực Tây Nguyên.

Dựa theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng DSĐC của đề tài KC08.20/06-10, đề tài TN17/T06 đã đề xuất xếp hạng các hang động núi lửa ở Tây Nguyên theo các thứ hạng: 6 hang di sản cấp quốc tế; 40 hang cấp quốc gia, 4 hang cấp địa phương. Đây là những cơ sở ban đầu quan trọng cho việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đệ trình Uỷ ban di sản thế giới xem xét công nhận.

Về những nghiên cứu đánh giá DSĐC ngoài hang động, ở các khu vực phát triển đá basalt Tây Nguyên, đề tài đã tổng hợp, điều tra bổ sung và xác lập được 10 kiểu DSĐC liên quan đến hoạt động núi lửa ở Tây Nguyên với 302 điểm DSĐC, trong đó có giá trị hơn cả là các DSĐC kiểu A (địa chất) và kiểu B (địa mạo). 
Ngoài việc tổng hợp và nghiên cứu bổ sung về đa dạng sinh học ở Tây Nguyên thì phát hiện mới về di sản hỗn hợp (các DSĐC chứa các di tích tiền sử, phân bố rải rác ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, đặc biệt là di tích thời đại Đá cũ ở lưu vực Sông Ba) là những kết quả mới rất đáng khích lệ, là nguồn tư liệu quý cho các nghiên cứu tiếp theo về DSĐC, di sản văn hóa - lịch sử ở Tây Nguyên. Trên cơ sở các nghiên cứu mới, đề tài đã xây dựng luận cứ khoa học về DSĐC (liên quan đến hoạt động núi lửa) làm tiền đề cho việc xây dựng Công viên địa chất ở Tây Nguyên. 

Bên cạnh việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng của các DSĐC, di sản hang động núi lửa, thì việc nghiên cứu, tìm hiểu về các yếu tố xâm hại di sản, cũng như công tác quản lý, khai thác, bảo tồn di sản và đề xuất các giải pháp bảo vệ, bảo tồn các DSĐC ở Tây Nguyên là vô cùng quan trọng. Đề tài đã xây dựng được mô hình trưng bày Bảo tàng ngoài trời, bảo tồn di tích hang động ở Krông Nô (mô hình 3D) với nội dung và hình thức thiết kế tốt, có thể chuyển giao cho địa phương làm quy hoạch xây dựng thực tế phục vụ khai thác du lịch trong tương lai. Đồng thời, đề tài cũng đã xây dựng mô hình một số hoạt động của người tiền sử (tỷ lệ 1/1) để trưng bày trong hang. Mô hình này đang được lưu giữ tại UBND tỉnh Đăk Nông và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Bộ cơ sở dữ liệu của đề tài được thiết kế có cấu trúc thích hợp, đáp ứng yêu cầu lưu giữ số liệu, cập nhật mới và khai thác thuận tiện. 

Công viên địa chất núi lửa Krông Nô

Các kết quả khoa học của đề tài đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và xã hội; góp phần quan trọng vào hồ sơ Công viên Địa chất toàn cầu của tỉnh Đăk Nông đã được UNESCO vinh danh; đồng thời tạo ra các tiền đề mới, hướng nghiên cứu mới về các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử của Tây Nguyên. Việc triển khai thực hiện đề tài là một trong những hình mẫu cho xu hướng liên ngành khoa học xã hội với các khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật; hợp tác quốc tế sâu rộng trong nghiên cứu các vấn đề khoa học quan trọng và có tác động tích cực cho việc hình thành và phát triển một số lĩnh vực KH&CN của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình thực hiện đề tài, các nhà khoa học của Hội hang động Nhật Bản đã có nhiều tư vấn, đóng góp quý báu về công tác bảo tồn, bảo tàng các di sản, di tích của Tây Nguyên. Theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, hệ thống hang động núi lửa của Tây Nguyên có quy mô đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Đây được coi là di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm.

Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia ngày 8/1/2021 do GS Trương Quang Hải làm Chủ tịch, đã nhất trí đánh giá đề tài TN17/T06 đạt loại xuất sắc. Theo TS Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, đề tài TN17/T06 đã góp phần quan trọng phát triển bền vững Tây Nguyên trên cả 5 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và an ninh.

Để có thể tiếp nối những phát hiện đã có về hang động núi lửa Tây Nguyên, rất cần có những nghiên cứu tiếp theo về việc tìm kiếm các di tích hóa thạch mới, đồng thời giải quyết những vấn đề khoa học được đặt ra cho công tác bảo tồn, phát huy các di sản như: đánh giá độ an toàn của các hang động núi lửa, hoạch định ra những khu vực có thể đưa mẫu vật vào trưng bày trong hang để vừa có thể đưa khách tham quan vào hang lại vừa giữ được di sản sinh học trong hang; định hướng và thiết kế việc bảo tồn các hang động núi lửa như thế nào để tránh sự suy thoái nhanh...

HG
 

    
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)